Thảo dược có thể đem lại những lợi ích cho sức khỏe, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến phản ứng phụ, thậm chí đe dọa mạng sống...

TS DS Catherine Ulbricht, BV Đa khoa Massachusetts (Boston, Mỹ), cho biết: bất cứ một thành phần nào có tác dụng điều trị trong cơ thể con người đều có thể gây ra một phản ứng hoặc một tương tác. Nguy cơ các thành phần thuốc tương tác với thảo dược lớn hơn ở những người trẻ tuổi, người cao tuổi, trên những cơ địa đặc biệt hoặc cá nhân dùng nhiều loại thuốc cùng lúc.

 


TS Ulbricht đã mô tả chi tiết một số tác dụng phụ thường gặp do sự tương tác giữa các thảo dược, thực phẩm chức năng và các loại thuốc điều trị. Ví dụ, nguy cơ chảy máu có thể liên quan với tỏi, gừng, bạch quả; việc giảm lượng đường trong máu có liên quan tới việc sử dụng quế, bột whey. Nhiều loại thảo dược có thể ảnh hưởng tới nội tiết tố (sắn dây, bạch chỉ…) hoặc tăng huyết áp (trà xanh, táo ta…)

Nhiều bệnh nhân cho rằng, thảo dược tốt cho sức khỏe của họ. Có những loại giúp xương khớp và tim mạch của họ khỏe hơn. Nhưng một nghiên cứu mới đây của Viện Tim mạch Trung tâm Y khoa Intermountain (thành phố Salt Lake, Mỹ) cũng cho thấy, nhiều bệnh nhân không nhận ra rằng các loại dược thảo, thực phẩm chức năng bổ sung mà họ dùng khi trộn với thuốc kê toa có thể nguy hiểm cho tính mạng, đặc biệt nếu họ đang dùng warfarin - một loại thuốc chống đông máu.

Warfarin và các loại thảo dược, thuốc bổ (như vitamin, dầu cá, coenzyme Q10…) sẽ "đánh nhau" trong gan, làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc tăng cường các hoạt chất đông máu, làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc, tăng nguy cơ đột quỵ. Những người dùng thảo dược bổ sung hoặc các vitamin cũng có hiện tượng chảy máu không rõ nguyên nhân cao hơn nhiều so với bệnh nhân chỉ sử dụng warfarin.

Theo Phụ nữ TPHCM