Đăng ký   |   Đăng nhập   |   Hướng dẫn đăng sản phẩm
    Danh mục
   Thuốc kháng sinh
thuoc khang sinh cau hoi thuong gap
Thuốc kháng sinh: Câu hỏi thường gặp. (ảnh minh họa).

Thuốc kháng sinh thường được dùng để điều trị và đôi khi để dự phòng bệnh nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm lại có nhiều thế hệ và loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới không gây ảnh hưởng tới sự phát triển của xương và chiều cao của trẻ.


Chia sẻ bí quyết chăm sóc SỨC KHỎE cho mọi nhà!

Thuốc kháng sinh: Câu hỏi thường gặpThuốc kháng sinh thường được dùng để điều trị và đôi khi để dự phòng bệnh nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm lại có nhiều thế hệ và loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới không gây ảnh hưởng tới sự phát triển của xương và chiều cao của trẻ.Thuốc kháng sinh: Câu hỏi thường gặp

Dùng thuốc kháng sinh có ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ không ?

Thuốc kháng sinh thường được dùng để điều trị và đôi khi để dự phòng bệnh nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm lại có nhiều thế hệ và loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới không gây ảnh hưởng tới sự phát triển của xương và chiều cao của trẻ. Một ngoại lệ là thuốc tháng sinh nhóm tetracyclin nếu dùng kéo dài, thuốc có thể lắng đọng trong xương và mầm răng của trẻ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của răng và hệ xương. Bộ Y tế đã cấm sử dụng loại thuốc này cho trẻ em từ lâu.

Tuy nhiên, dùng thuốc kháng sinh không phải là vô hại. Uống thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống vi khuẩn đường ruột, gây táo bón, thiếu một số vitamin và gây mệt mỏi. Chính vì vậy việc dùng thuốc kháng sinh nào, liều lượng bao nhiêu và thời gian bao lâu cần theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cũng cần cho trẻ uống thêm một số loại vitamin (vitamin A, C và vitamin nhóm B), bảo đảm bú mẹ, chế độ ăn bổ sung đa dạng và đủ chất.

Khi nào nên tiêm và khi nào nên dùng đường uống ?

Cho tới nay, nhiều người kể cả một số thầy thuốc thường cho rằng tiêm thuốc sẽ có tác dụng nhanh và mạnh hơn nên bệnh chóng khỏi. Thực ra không phải như vậy. Trong thực tế chỉ phải dùng đường tiêm bắt buộc trong một số trường hợp sau:

Bệnh nhân nôn trớ thường xuyên không thể đưa thuốc vào đường tiêu hóa được. Bệnh nhân nhiễm khuẩn quá nặng (nhiễm khuẩn máu có choáng chẳng hạn), có rối loạn hấp thu tại đường tiêu hóa. Cần khống chế ngay tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nhanh như trong nhiễm khuẩn máu do não mô cầu (đây là tình trạng rất nặng và tiến triển chớp nhoáng nhưng cũng may mắn là rất hiếm gặp). Ngoài ra trong đại đa số tình trạng khác, kháng sinh đều có thể dùng đường uống với liều lượng thích hợp sẽ có tác dụng chữa bệnh y hệt đường tiêm. Dùng đường uống còn tránh được đau đớn cho bệnh nhân nhất là trẻ em, ít có tác dụng phụ và tai biến hơn tiêm, dễ dùng và giá thành hợp lý.

Kháng sinh có chữa được cảm, cúm ? Các bệnh do nhiễm virut nói chung và bệnh cảm sốt, bệnh cúm nói riêng đều không nên uống các loại thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virut. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Người bị cảm, cúm cần nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với mọi người chung quanh để tránh lây lan virut và dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt, các vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp này để tránh lãng phí và làm cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đang có nguy cơ ngày càng gia tăng.  

Kháng sinh được dùng trong trường hợp nào?

Kháng sinh được dùng để chữa các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên, đặc biệt trong các bệnh nhiễm trùng gây thành dịch và ngay cả việc dùng kháng sinh để điều trị dự phòng nhiễm trùng sau phẫu thuật tránh gây nên nhiễm trùng bệnh viện (ví dụ tiêu chảy do vi khuẩn tả, do vi khuẩn thương hàn, do vi khuẩn lỵ, viêm họng, phế quản do phế cầu hoặc Hemophilus influenzae... không bao giờ dùng kháng sinh để điều trị bệnh do virut gây ra (ví dụ bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh AIDS, SARS, cúm   H5N1, viêm gan do virut, viêm gan A, B, C, D, E...). Tuy vậy, trong một số bệnh truyền nhiễm do virut nhưng bị bội nhiễm thêm vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh để điều trị (ví dụ bệnh cúm biến chứng viêm phế quản - phổi, thủy đậu bị bội nhiễm nhiễm trùng da...). Ngoài việc dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn, kháng sinh không dùng để chữa các bệnh khác ví dụ ho, dị ứng, đau cơ khớp...

Có nên phối hợp thuốc kháng sinh không ? Không phải bất kỳ một bệnh nhiễm khuẩn nào cũng phối hợp thuốc kháng sinh mà chỉ phối hợp các thuốc kháng sinh trong một số trường hợp như đa chấn thương trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động; viêm tủy xương nguyên phát hay thứ phát; kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn kháng lại nhiều thuốc kháng sinh (đa kháng thuốc) như vi khuẩn S.aureus, Pseudomonas aeruginosa, E.coli, vi khuẩn lao...). Tuy vậy, khi phối hợp thuốc kháng sinh cũng cần lưu ý một số điểm sau: Phối hợp phải đúng, thuốc kháng sinh phải khác họ, không có sự tương tác bất lợi giữa các loại kháng sinh; khả năng tuân thủ y lệnh của người bệnh cao, số lần dùng thuốc trong ngày ít, khả năng chi trả thấp, đường đưa thuốc vào cơ thể thuận lợi nhất.

Khi nào thì dùng kháng sinh cho trẻ ?

Hiện nay vẫn còn có hiện tượng tự mua thuốc để điều trị cho trẻ cho dù không biết trẻ bị bệnh gì, nghĩa là người mẹ cứ thấy con mình ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc hơi sốt (thậm chí người mẹ cũng không cặp nhiệt độ để đo nhiệt độ cho trẻ mà chỉ phỏng đoán hoặc sờ vào trán con rồi nghĩ là cháu có sốt mà thôi). Vì vậy muốn biết trẻ có nên dùng thuốc kháng sinh hay không nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ, nếu có điều kiện đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi thì càng tốt. Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi bác sĩ thấy cháu có các triệu chứng lâm sàng về nhiễm trùng nghi do vi khuẩn (hoặc vi nấm), ví dụ có dấu hiệu viêm nhiễm như sưng, nóng, đỏ, đau trong một số bệnh viêm cơ, áp-xe cơ hoặc trong các bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản - phổi...), trong các bệnh về tai, mũi, họng như VA, amidan, viêm tai... hoặc mắc bệnh do virut nhưng có bội nhiễm thêm vi khuẩn như viêm phế quản sau sởi, nhiễm trùng da do thủy đậu. Ngoài các triệu chứng lâm sàng thì một số chỉ số về cận lâm sàng cũng đóng góp một cách đáng kể giúp thầy thuốc lâm sàng chẩn đoán bệnh nhiễm khuẩn một cách chính xác hơn để có hướng dùng kháng sinh hay khôngví dụ như tốc độ lắng máu, chỉ số bạch cầu trung tính, tiểu cầu hoặc cấy máu tìm vi khuẩn trong các trường hợp nghi nhiễm trùng huyết do vi khuẩn (vi nấm). Khi bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chắc chắn trẻ có mắc bệnh nhiễm khuẩn thì lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể dùng thuốc kháng sinh gì, mỗi ngày dùng bao nhiêu là đủ, thuốc đó dùng bằng cách nào (uống, tiêm hay đặt hậu môn...). Khi đã có đơn của bác sĩ người mẹ cần tuân thủ dùng đúng chỉ định, tuyệt đối không tự ý đổi tên thuốc (việc này có thể gặp ở một số quầy thuốc tư nhân, dược tá muốn bán được loại thuốc mình có cho nên cứ tư vấn theo hướng đó để bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân mua thuốc của mình bất chấp người bệnh đã có đơn của bác sĩ). Để đề phòng trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh không hiệu quả hoặc hiệu quả kém bởi một lý do nào đó, ví dụ vi khuẩn đã kháng lại thuốc kháng sinh đó chẳng hạn hoặc loại thuốc đó không phù hợp như uống vào buồn nôn, thậm chí bị dị ứng... thì cần đến gặp lại bác sĩ đã khám và kê đơn để được tư vấn thêm và có hướng xử lý thích hợp. Tuyệt đối không tự tiện đổi thuốc.

Lạm dụng kháng sinh có hại gì ?Dùng kháng sinh không đúng rất có hại: Gây lãng phí: Các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh. Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán. Có khi có tác dụng chữa mà lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận. Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế.

Những kháng sinh không nên dùng cho trẻ ?

Đối với trẻ em, do cấu tạo giải phẫu và chức năng sinh lý chưa hoàn thiện, nhất là gan và thận liên quan mật thiết đến thuốc kháng sinh. Vì vậy trong việc dùng kháng sinh người ta đã khuyến cáo không được dùng các loại kháng sinh như tetracyclin, bởi vì loại kháng sinh này có tác dụng phụ là nhiễm độc xương, làm chậm sự phát triển của xương và làm ảnh hưởng mầm răng đang phát triển, về sau răng của trẻ sẽ bị nhuộm màu vàng, xám một cách vĩnh viễn. Ngoài ra, người ta thấy tetracyclin còn có tác dụng làm căng phồng thóp ở trẻ sơ sinh. Cho đến nay khuyến cáo đối với trẻ dưới 12 tuổi không được dùng loại kháng sinh này. Vì vậy ngay cả người mẹ đang mang thai hoặc  cho con bú cũng không được dùng loại kháng sinh này vì thuốc sẽ từ máu mẹ qua rau thai đi vào thai nhi hoặc từ máu của người mẹ đi vào sữa rồi con bú.

Để tìm thuốc cho Thuốc kháng sinh, hãy bấm vào đây
Các bài tin liên quan
 
 
 
 
 
 
 
Trang: 1  2  3  
   |    thuoc nam chua soi than    |    Tiểu đường    |    Viêm gan    |    Cây thuốc nam    |    Bảo Kỳ Nam thuốc nam    |    Thẩm mỹ viện Hoa Kỳ    |   
- Các thông tin về thuốc trên chothuoc24h chỉ mang tính chất tham khảo, Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
- Chothuoc24h - Mang đến cho bạn SỨC KHỎE – HẠNH PHÚC – THÀNH CÔNG
- Giấy phép số: 32/GP-TTĐT của Bộ Thông tin và truyền thông
- Email:QuangCao@ChoThuoc24h.Com, info@ChoThuoc24H.Net, ChoThuoc24h